Trong dân gian, ổi không chỉ ngon mà còn có nhiều công dụng về mặt sức khỏe và làm đẹp. Cây ổi lại khỏe mạnh, rất dễ trồng và chăm sóc, vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ thuật trồng loại cây ăn quả này qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Đặc điểm của cây ổi
Cây ổi còn có tên gọi khác là phan thạch lựu, tên khoa học là Psidium guajava L thuộc họ Sim – Myrtaceae, và có nguồn gốc từ Châu Mỹ nhiệt đới.
Ổi thuộc loại cây ăn quả dạng thân gỗ, chiều cao trung bình từ 3-7m, tuổi thọ của cây lên tới 40-60 năm. Thân cây có cấu tạo khá trơn và nhẵn, thường bong ra từng mảng. Hoa ổi có màu trắng mọc ở nách lá, tạo thành từng chùm từ 2-3 hoa. Hoa ổi là loài hoa lưỡng tính có 5 cánh gần đều. Quả ổi nhìn chung có khá nhiều hình dạng: hình trứng, hình cầu, hình quả lê, đường kính từ 3-12 cm tùy loại, ở đầu có sẹo do đài để lại. Thị quả dày có nhiều màu như vàng, đỏ, trắng, hồng. Quả có nhiều hạt trong thịt, màu vàng nâu. Tại Việt Nam, ổi thường ra hoa vào tháng 3-4, quả vào tháng 8-9.
Ổi hiện nay có nhiều giống: ổi đào, ổi nghệ, ổi mỡ, ổi Bo, ổi xá lỵ,… ngoài ra hiện nay có một số giống ổi không hạt: ổi Phugi, Đài Loan, MT1,MT2…
Cây ổi giống hiện nay được bán rộng rãi trên thị trường chủ yếu xuất xứ nước ngoài, được nhân giống bằng cách chiết cành nên nhanh ra quả, chỉ chăm bón đầy đủ 4-6 tháng là cây đã cho quả đầu tiên. Tuy nhiên loại cây giống này nhanh bị suy yếu nếu để cây có quá nhiều quả, có trường hợp cây chỉ cho một đợt quả rồi suy yếu.
Nếu bạn muốn trồng ổi trong chậu thì nên lựa chọn các giống có sức sinh trưởng mạnh và dễ chăm sóc: ổi lê, ổi nữ hoàng hoặc Đài Loan
Kỹ thuật trồng chăm sóc cây ổi
Cách trồng cây ổi
Nếu vườn nhà bạn đã trồng ổi, để cây sai quả, bạn nên cải tạo lại vườn:
Nếu khoảng cách giữa các cây là 2-2,5m thì nên chặt một cây ở giữa bởi khoảng cách phù hợp là 4-5m. Vào đầu mùa mưa, để lại trên mỗi cây 1 nhánh mọc trực tiếp từ thân chính; các nhánh còn lại cưa bỏ ngọn chỉ để lại đoạn dài khoảng 1m từ thân chính. Sau đó dùng sơn hoặc vôi bôi lên vết cắt để giữ nước và tránh vi khuẩn xâm nhập.
Sau đó dùng cuốc đất cách gốc khoảng 0,5m trở ra, lượng đất sâu khoảng 5-7 cm. Bón cho mỗi gốc 10-15 kg phân hữu cơ hoai mục + 300g NPK 20-20-15 rồi đổ lên trên một lớp bùn mỏng. Khi bùn khô nứt thì tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho cây ra chồi, rễ mới. Khi chồi mới mọc 4-5 cặp lá thì cưa bỏ nốt nhánh cấp 1 để lại ban đầu. Tỉa bỏ những chồi yếu, nhỏ, chỉ giữ lại 4-5 chồi nhánh cấp 1 to khỏe, phân bổ đều xung quanh. Tiếp tục bấm ngọn để lại mỗi chồi 3-5 cặp lá. Khi nách cặp lá trên cùng mọc hai chồi mới; tiếp tục bấm ngọn như trên sau một thời gian cây sẽ có tán mới hình nấm.
Trong quá trình chăm sóc thường xuyên cắt tỉa bỏ cành tăm; lá già để vườn ổi thông thoáng, ít sâu bệnh.
Mùa khô nên dùng rơm rạ, lá khô, cỏ rác…. ủ xung quanh gốc, tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho cây giúp cây nhiều quả, quả mau lớn. Đến mùa mưa thì dọn sạch sẽ thông thoáng gốc để không bị sâu bệnh hại cây.
Sau đợt bón phân lúc cưa nhánh, cần xới đất khoảng 1-2 tháng; rồi bón phân định kỳ 20-25 ngày/ lần với lượng 150-200g NPK 20-20-15 kích thích ra rễ, chồi mới, ra hoa, nuôi quả mới.
Bón phân tăng dần theo tuổi cây.
Cách chăm sóc cây ổi
Ánh sáng: Cây ổi ưa ánh sáng hoàn toàn, nhiều nắng để cây sai quả.
Nhiệt độ: ổi chịu được khoảng nhiệt độ lớn
Độ ẩm: Cây ổi ưa ẩm
Đất trồng: Ổi có thể sống ở nhiều loại đất, không kén kể cả đất xấu, tuy nhiên nếu trồng đất tơi xốp, thoát nước tốt, có trộn thêm phân hữu cơ bón lót , tro trấu, trấu hun, xơ dừa, theo tỷ lệ: 2 tro trấu : 0,5 xơ dừa + 0,5 trấu hun : 1 phân hữu cơ là tốt nhất.
Một số loại sâu bệnh thường gặp với cây ổi:
- Rệp sáp, rệp dính, rầy mềm… trị bằng Applaud Mip, Trebon, Supracide …
- Ruồi đục quả: bao quả lại bằng nilong hoặc các chất dẫn dụ sinh học Protêin thủy phân hay Viziubon- D.
- Bệnh thán thư: trên cành có các đốm tròn đen, lõm sâu, các đốm liên kết tạo thành các vệt lớn làm lá vặn vẹo, cành chết khô, ngọn cành bị cháy.Quả bị thán thư có các đốm tròn nâu đậm và lõm vào thịt. Có thể phòng trị bằng Mancozeb 0,2%, Antracol 0,2%, Benomyl …
- Bệnh thối quả: do nấm Phytophthora parasitica gây ra khi độ ẩm cao đặc biệt vào mùa mưa; trên quả xuất hiện các đốm nâu tròn lan rộng làm quả bị thối mềm và có mùi hôi.
Để phòng trừ bệnh thì dùng thuốc Aliette, Ridomyl, Bavistin, Anvil… cần chú ý vệ sinh vườn, thông thoáng tán, tránh ẩm thấp.
Thu hoạch quả: Mùa quả có từ tháng 10 đến tháng 4; có loại cho quả quanh năm như ổi nữ hoàng. Sau khi quả đậu 2,5-3 tháng thì thu hoạch được quả, 5-7 ngày/ lần.
Nguồn: chamsoccaytrong.com
Tác giả: Hồng Phúc