Phong trào nuôi tôm ngày càng được nhân rộng, diện tích nuôi và sản lượng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên vấn đề nâng cao chất lượng tôm khi thu hoạch lại được ít người quan tâm. Kết quả tôm thường bị mất phụ bộ, đen mang khiến giá thành bị giảm sút. Những vấn đề này xảy ra do thời điểm cuối vụ người nuôi không chú ý bổ sung dinh dưỡng, kháng chất cho tôm, môi trường ao ô nhiễm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp giải pháp giúp người nuôi nâng cao chất lượng tôm khi thu hoạch. Kích cỡ tôm đồng đều, tôm sạch, bóng đẹp, đặc biệt là không bị tồn dư kháng sinh và hóa chất cấm trong tôm,… là những điều quan trọng người nuôi tôm cần chú ý, để bán tôm được giá.
Quản lý ao nuôi khi thu hoạch tôm
Sức khỏe tôm và môi trường nước ao quyết định nhiều đến cỡ và màu sắc tôm. Vậy cần quản lý tốt các vấn đề như:
- Luôn duy trì pH, khí độc và ôxy hòa tan ở mức cho phép, nhất là vào tháng cuối chu kỳ nuôi.
- Bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, đặc biệt là khoáng chất giúp tôm chắc thịt, chắc vỏ.
- Quản lý mật độ tảo, màu nước tốt để tránh vỏ tôm bị đen, thậm chí bị đóng rong, nấm.
- Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để cải thiện môi trường, chuyển hóa khí độc trong nước. Hạn chế gây stress cho tôm hoặc làm tôm phát bệnh.
- Ngưng dùng một số loại thuốc, hóa chất (nhất là chất kháng sinh) 7 – 10 ngày trước khi thu hoạch, để giảm lượng tồn dư thuốc và hóa chất trong tôm.
Biện pháp cụ thể
Giai đoạn cuối vụ nuôi, lượng chất thải, khí độc, vi khuẩn, tảo trong ao nhiều thường gây ảnh hưởng lớn đối với tôm nuôi. Tôm hay gặp một số bệnh như:
Bệnh tôm bị đóng rong, nhớt
Do chất lượng nước ao kém, một số loài nấm và nguyên sinh động vật phát triển và bám trên thân tôm, làm cho tôm khó khăn trong việc di chuyển, bắt mồi, lột xác. Khi tôm bị bệnh, trên thân sẽ xuất hiện một lớp rong, nhớt, vỏ tôm dày, xù xì. Đối với trường hợp này, dùng hóa chất Formol, BKC diệt khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật kết hợp với thay nước 20 – 30%, liều lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh hiện tượng vì muốn điều trị nhanh mà tăng liều lượng, ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Bệnh mòn đuôi, cụt râu
Bệnh này có thể do vi khuẩn tấn công hoặc do thiếu thức ăn, tôm đói ăn nhau. Chính những vết thương do tôm tấn công nhau, cộng với nước nuôi bị ô nhiễm, là điều kiện để vi khuẩn tấn công và phát triển mạnh. Biểu hiện của bệnh này là râu cụt, đuôi mòn, chân bò bị mòn có màu đen. Tôm bơi lội chậm chạp, bắt mồi thụ động, phân đàn, phát triển không đồng đều và chậm lớn. Vậy cần điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước. Để điều trị bệnh này, có thể dùng kháng sinh trộn vào thức ăn để trị bệnh. Bổ sung vitamin nâng cao sức đề kháng, trộn dầu mực vào thức ăn kích thích tôm bắt mồi.
Bệnh mềm vỏ ở tôm
Đây là bệnh hay gặp và khá phổ biến, nhất ở vùng nuôi có độ mặn thấp. Tôm mềm vỏ, thịt nhão sẽ dẫn đến chất lượng tôm kém, khó bán và giá thấp; nếu bệnh mềm vỏ kéo dài thì tôm dễ bị nhiễm bệnh khác. Nguyên nhân, do tôm thiếu khoáng, nước ao nuôi bị ô nhiễm. Vì vậy, cần cung cấp đủ thức ăn chất lượng cao, bổ sung vào thức ăn các loại men tiêu hóa, khoáng vi lượng… cho tôm ngay từ đầu vụ nuôi, nhất là trước khi thu hoạch.
Dùng vôi Dolomite 50 kg/1.000 m3 giúp tăng hệ đệm, ổn định pH, bón bột đá vôi CaCO3 liều lượng 150 – 200 kg/ha.
Vừa rồi là những giải pháp để nâng cao chất lượng tôm, hy vọng bà con có thể áp dụng thành công và có một vụ mùa bội thu! Xem thêm nhiều bài viết hữu ích tại đây 🙂
Trần Hiền
Nguồn: tomvang.com