Cá mú đen thường được gọi là cá mú Warsaw, là một loài cá biển thuộc chi Hyporthodus trong họ Cá mú. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1855. Ngày nay, cá mú đen được nuôi khá phổ biến ở Việt Nam. Dưới đây là hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú đen ít vốn, cho thu nhập cao.
Điều kiện ao nuôi
Tùy theo từng điều kiện mà chọn ao có diện tích phù hợp; có thể từ 100m2 trở lên. Ao có độ sâu từ 1,5-2m. Độ sâu mực nước ao từ 1,2-1,5m. Bờ ao cao hơn mực nước ao trong năm, khoảng 0,5m để chống ngập.
Nguồn nước phải gần ao để thuận tiện cho việc cấp nước. Nước phải sạch sẽ, không bị ô nhiễm và phải chủ động suốt quá trình nuôi. Yêu cầu về chất lượng nước: nhiệt độ= 25-32oC, độ mặn= 20-30‰, pH= 7,5-8,5, độ trong = 30-45cm, hàm lượng oxy hòa tan= 4-8mg/L, NH3 ≤0-0,008mg/L, độ kiềm= 60-100mg/L.
Thả một số ống tre hoặc ống nhựa (đường kính 10-20cm) vào ao để làm nơi cho cá ẩn nấp nhằm hạn chế cá tấn công lẫn nhau đồng thời giúp việc kiểm tra và thu hoạch cá được đễ dàng.
Chọn và thả cá giống
Nên chọn cá giống có kích cỡ càng lớn càng tốt, từ 8-15cm. Cá giống càng lớn thì tỷ lệ hao hụt càng ít. Tốt nhất là lấy cá giống sinh sản nhân tạo ở các trại cá uy tín, hạn chế lấy cá từ nguồn khai thác tự nhiên.
Chọn cá giống khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không bị say sát, không bị dị hình hay dị tật.
Mật độ nuôi: nên thả với mật độ thưa, khoảng 2-3con/m2.
Cách thả cá:
Nên thả cá lúc trời mát, tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối. Trước khi thả cá xuống ao; nên cân bằng nhiệt độ và độ mặn. Trường hợp cá giống đựng trong bọc nilon; thì phải ngâm bọc cá trong nước ao khoảng 10-15 phút để nhiệt độ cân bằng với nhiệt độ nước ao, sau đó mới mở bọc và thả cá ra từ từ.
Trường hợp cá giống đựng trong thùng hoặc can nhựa…thì trước khi cho cá vào bể; phải cho chúng qua một cái chậu lớn, từ từ thêm nước ao vào chậu để chúng thích nghi dần với điều kiện mới; sau khoảng 15 phút mới thả cá vào ao. Tuyệt đối không cho cá vào ao một cách đột ngột hoặc đứng trên bờ đổ cá xuống ao vì sẽ làm cho cá dễ bị sốc và chết.
Thức ăn
Nhiều người dùng thức ăn là cá rô phi: thả cá rô phi (5000-10000 con/ha) trước khi thả cá mú 1 tháng. Khi thả cá mú vào ao thì chúng có thức ăn ngay.
Hiện nay thức ăn hiệu quả được nhiều người sử dụng nhất ở giai đoạn cá nhỏ là Ruốc, cá cơm, thức ăn công nghiệp. Trong đó Ruốc thức ăn hiệu quả nhất.
Chăm sóc
Thường xuyên theo dõi cá ăn để đánh giá được mức ăn của chúng mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp tránh tình trạng thiếu hoặc thừa.
Duy trì màu xanh nước ao bằng cách định kỳ bón thêm phân chuồng. Khoảng 15 ngày bón 1 lần; liều lượng: 10-15kg/100 m2 ao.
Định kỳ (1 tuần 2 lần) thay nước vào ao, mỗi lần thay khoảng 20-40% lượng nước ao, tùy theo chất lượng ao. Khi thấy nước có màu xanh quá đậm, màu xám hay có mùi hôi do tảo hoặc thức ăn phân hủy thì phải thay nước ngay. Có thể dùng nước thủy triều hoặc nước bơm từ ao chứa để thay. Khi thay nước, nên xả phần nước ở đáy rồi bơm nước mới vào. Nước dẫn vào ao phải qua lưới chắn để ngăn cá tạp và địch hại.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố chất lượng nước như nhiệt độ, độ mặn, độ pH…, và phải giữ cho các chỉ số này luôn ổn định.
- Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá; nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì phải kiểm tra ngay để xử lý kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống rãnh để khắc phục kịp thời khi bị sạc lở, rò rỉ.
Hàng tuần lọc và phân đàn kích cỡ cá để tránh tình trạng cá lớn ăn cá bé đồng thời tăng không gian sống cho chúng.
Thu hoạch
Sau 6-10 tháng nuôi (tùy theo kích cỡ của cá giống) là có thể thu hoạch cá thịt; kích cỡ cá thường phẩm từ 0,6-1kg/con. Có thể thu tỉa những con cá lớn hoặc thu hoạch toàn bộ để lấy ao nuôi vụ khác.
Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú đen đơn giản, cho lợi nhuận cao. Chúc bà con áp dụng thành công vào mô hình nuôi thủy sản của mình.
Nguồn: agriviet.com