Cá chép là cá nước ngọt được nhiều người ưa chuộng nhờ chất thịt thơm ngon. Loài cá này được nuôi trồng phổ biến ở mọi nơi. Cá có thể được nuôi trong ao, hồ chứa, ruộng lúa và nay được nuôi trong các lồng bè. Để nuôi cá chép đạt hiệu quả rất cần con giống có chất lượng cao. Bên cạnh đó người nuôi cần có kiến thức để chủ động nhận biết, phòng ngừa, trị bệnh ở cá chép. Cá chép thường bị nhiễm ấu trùng sán lá và thích bào tử trùng làm kênh nắp mang ảnh hưởng rất lớn đến việc hô hấp. Thậm chí còn gây chết và được gọi là bệnh kênh mang cá chép.
Tác nhân gây bệnh kênh mang cá chép
Cá chép ở giai đoạn nhỏ thường bị kênh mang chủ yếu do hai tác nhân chính gây ra là: ấu trùng sán lá Centrocestus formosanus và thích bào tử trùng Myxobolus sp.
- Ấu trùng (Metcercaria) của sán lá song chủ Centrocestus formosanus ký sinh ở mang cá. Bào nang hình ovan, kích thước 0,16 – 0,23 x 0,125 – 0,178 mm.
- Thích bào tử trùng gây bệnh ở cá chép là các loài thuộc giống bào tử sợi Myxobolus. Nó có đặc điểm riêng là phía trước bào tử có 2 cực nang. Thường các loài có 2 cực nang bằng nhau. Một số ít loài có 1 cực nang bị thoái hóa (Myxobolus toyamai).
Biểu hiện của bệnh
Khi cá chép bị kênh mang thường có các biểu hiện chung là cá bơi lờ đờ ở tầng mặt gần bờ. Không có phản ứng với tiếng động. Cá có hiện tượng nắp mang hở, không khép kín. Cá chết nổi lên bờ và chết nhiều ở những ao ương dày vào những ngày thời tiết thay đổi.
Do nhiễm ấu trùng sán C. formosanus:
Ấu trùng sán ký sinh nằm sâu trong tơ mang tạo thành bọc. Tập trung nhiều ở gốc và trên tơ mang, làm tơ mang bị biến dạng. Khi nhiễm cường độ cao, mang sưng lên, trương phồng. Nắp mang không thể đậy kín các phiến mang. Ảnh hưởng đến hô hấp của cá nhưng mang vẫn có màu hồng tươi.
Thường xảy ra ở cá chép hương 2 tuần tuổi đến cá giống nhỏ < 10 g/con. Tốc độ sinh trưởng chung so với các ao cùng ương giảm khoảng 30 – 50% .
Do thích bào tử trùng Myxobolus sp.,:
Sợi thích ty cắm vào và xâm nhập tổ chức mang. Quá trình xâm nhập, sinh sản tiếp tục đến khi tạo ra các khối u màu trắng to bằng hạt tấm, hạt gạo có thể quan sát bằng mắt thường trên mang cá. Thường xảy ra ở cá chép giống cỡ 5 – 50 g/con.
Biện pháp phòng bệnh tổng hợp
Do ấu trùng sán ký sinh ở mang cá được bao bọc bởi vỏ bào nang dày. Còn thích bào tử trùng lại được nằm trong lớp kitin dày rất khó phá vỡ. Vì vậy các loại hóa chất thông thường như Formalin, CuSO4, KMnO4 không thể diệt được… Chỉ tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp gồm vệ sinh trang trại, hệ thống lồng lưới, bể, ao ương sau mỗi vụ sản xuất và trước khi đưa vào vụ nuôi mới:
- Phơi khô đáy, phát quang bụi dậm xung quanh ao, bón vôi khử trùng đáy ao và tiêu diệt ốc.
- Sử dụng phân chuồng đã được ủ với vôi bột để diệt trứng sán trong phân. Nước lấy vào các ao ương cần qua lưới lọc và cần được khử trùng trước khi thả cá để hạn chế sự xuất hiện của cá tạp.
- Hạn chế sự xuất hiện của vật chủ trung gian như ốc, hạn chế việc dùng trực tiếp nguồn phân tươi để bón cho các ao ương và một điều cần thiết là hạn chế sự phát tán phân, chất thải của động vật hoang xuống ao nuôi.
Biện pháp điều trị bệnh kênh mang cá chép
Khi cá chép bị kênh mang do nhiễm ấu trùng sán: Theo kết quả nghiên cứu của Ts. Kim Văn Vạn và cộng sự năm 2012, có thể dùng Praziquatel cho ăn liên tục 3 – 5 ngày thì các ấu trùng bị tiêu diệt và cá sẽ khỏe lại. Do praziquatel có mùi đặc trưng nên nếu trộn vào thức ăn với liều cao thì cá không ăn thức ăn nên hiệu quả điều trị kém. Vì vậy, trong 1 – 2 ngày đầu trộn thuốc với liều lượng ít sau đó tăng dần.
- Hòa đều BIO ANTIPA FOR FISH với một ít nước rồi trộn đều vào thức ăn với liều 100g thuốc/2.000 kg cá. Để tầm 15-30 phút cho thuốc ngấm. Đồng thời, cũng cần bao thức ăn bằng dầu hoặc chất bao để dùng thuốc đạt hiệu quả cao.
Cá chép giống bị bệnh kênh mang do thích bào tử trùng Myxobolus sp.: có thể điều trị được bằng cách trộn thuốc Sulfadiazine (BIO SULTRIM 48% FOR FISH: 1ml/10 kg cá) , hoặc ESB3 (thuốc điều trị cầu trùng gia cầm), hoặc dùng thuốc Tiên đắc (Health Fish) vào thức ăn cho cá ăn liên tục 5 ngày, khối u dần biến mất, cá trở lại bình phục.
Lưu ý: nên cho cá ăn vào buổi sáng (8 – 10h) để đạt được hiệu quả trong điều trị bệnh. Đồng thời, bổ sung thêm men tiêu hóa, bổ gan giúp cá nhanh hồi phục.
Xem thêm nhiều thông tin hữu ích tại đây!
Trần Hiền
Nguồn: thuoctrangtrai.com