Tiếp tục trong chuyên đề vỗ béo bò thịt, các chuyên gia hướng dẫn những lưu ý quan trọng trong quá trình chăn nuôi. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết.
Chuồng trại và phương thức vỗ béo
Vỗ béo bằng phương thức nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn. Nước uống và cho ăn tự do theo yêu cầu. Chuồng nuôi đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, bò đi lại tự do trong chuồng. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời.
Chuồng trại
Mục tiêu là để thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng, quản lý đàn bò. Xây dựng chuồng nuôi bò thịt phụ thuộc vào qui mô chăn nuôi hộ gia đình hay trang trại, phương thức chăn nuôi là nuôi thả hay nuôi nhốt, .. Nhưng chú ý phải được xây dựng ở những nơi cao ráo, sạch sẽ. Thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Hướng chuồng xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích chuồng nuôi bình quân 3-5 m2/ con. Tuỳ theo qui mô mà chuồng có thể xây dựng 1 dãy hoặc 2 dãy. Nền chuồng phải làm chắc, không láng trơn, có độ dốc 2-3% về phía rãnh thoát.
Cần trang bị máng ăn, máng uống dọc theo hành lang, kích thước máng ăn 60 cm x 120 cm, cao phía sau 80 cm, cao phía trước 50 cm, trong lòng máng hình lòng mo. Kích thước máng uống dài x rộng x sâu là 60 cm x 60 cm x 40 cm. Rãnh thoát nước thải thiết kế phía sau rộng 30 cm, sâu 30 cm, độ dốc 5-8%.
Ngoài ra cần bố trí thêm hố ủ phân hoặc hầm biogas, hệ thống rèm che cách tầm bò với 1-1,5m, hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa hè, ..vv.
Xem thêm: Phương pháp vỗ béo bò thịt (P2): Chọn thức ăn nào?
Vệ sinh thú y
- Tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại.
- Vệ sinh phòng bệnh: Thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ.
- Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải. Tích cực diệt chuột, dán, ve, ruồi muỗi, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò. Thức ăn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh.
- Thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn bò khi có dấu hiệu biểu hiện không bình thường cần can thiệp ngay, định kỳ tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, nhất là bò trước khi vỗ béo. Đồng thời tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ các loại bệnh bắt buộc cho bò 2 lần / năm. Như: bệnh tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng, …
- Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ theo chế độ phòng bệnh của thú y.
- Sau khi xuất toàn bộ vật nuôi phải tiến hành khử trùng toàn bộ chuồng nuôi theo chế độ tổng vệ sinh. Và khử trùng trước khi nuôi lứa mới.
- Trường hợp trong chuồng nuôi có vật nuôi bị chết vì bệnh dịch thì phải thực hiện chế độ khử trùng cấp bách theo hướng dẫn của thú y.
Thời gian vỗ béo
Thời gian vỗ béo từ 50 đến 60 ngày (dự kiến tăng trọng 800-1200g/con/ngày). Nếu vỗ béo kéo dài trên 60 ngày thì khả năng tăng trọng sẽ giảm. Tiêu tốn thức ăn cao và hiệu quả thấp.
Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò vỗ béo:
Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy cao độ khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh. Hiệu quả nuôi phụ thuộc vào các yếu tố chính sau:
- Giá trị bò mua vào để vỗ béo: Lợi nhuận càng cao khi giá mua vào càng thấp. Trong điều kiện vỗ béo những bò đã trưởng thành thì giá mua vào phải thấp hơn giá bán tại thị trường.
- Giá bán ra sau khi vỗ béo: Giá bán cao, lãi xuất cao.
- Chi phí thức ăn: Tận dụng các loại phụ phẩm, tăng cường chế biến thức ăn để nâng cao tỷ lệ sử dụng. Tỷ lệ tiêu hoá, giảm lãng phí để hạ thấp giá thành.
- Thời gian nuôi: Những bò trưởng thành thường vỗ béo trong 2 tháng. Và bê vỗ béo trong 3 tháng.
- Chi phí chuồng trại thấp khi sử dụng các loại chuồng nuôi đơn giản, hợp vệ sinh
Vỗ béo bò thịt cần lưu ý đến nhiều yếu tố kỹ thuật. Với những kiến thức thiết thực trong chuyên đề này. Hy vọng các nông hộ đã có hướng chăn nuôi hiệu quả hơn.
Nguồn: Khuyennong.lamdong.gov.vn