Tiếp tục theo dõi phần 2 về bệnh thường gặp trên cây dưa chuột để biết thêm một số bệnh nữa nhé. Như vậy, bạn sẽ chăm sóc cây dưa toàn diện.
Bệnh đốm lá sương mai trên dưa leo – bệnh thường gặp trên cây dưa chuột
Dấu hiệu bệnh
Bệnh đốm phấn do loại nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra, bệnh gây hại chủ yếu trên lá, ở mặt dưới lá có tơ nấm màu trắng phủ trắng như bột hoặc có màu vàng nhạt, đó là bào tử của nấm bệnh, lá đốm vàng sau 3 – 4 ngày biến thành màu nâu đen, lá cháy úa vàng và khô rụng, thân cây khô, cây trụi lá và khô chết. Bệnh gây hại nặng ở giai đoạn cây trổ hoa đến mang trái khiến cây cho năng suất thấp và chất lượng trái kém, có thể khiến cây bị chết.
Bệnh thường xuất hiện từ lá già ở gốc lan lên lá non. Loại bệnh hại này thường phát triển mạnh vào thời điểm mùa mưa, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp 18 – 20ºC.
Bệnh pháp phòng bệnh
Tránh trồng dưa leo chung với các loại cây trồng như bầu, bí và các loại cây thân leo, bò khác.
Lên luống cao cho đất trồng để đất thoát nước.
Thường xuyên tỉa bỏ bớt các lá già dưới gốc và lá bệnh, tiêu hủy các cây lá bị bệnh.
Khi phát hiện dấu hiệu bệnh có thể dùng một số thuốc để phun Benlate-C, Curzate, Copper-B, Daconil 500 SC, Mancozeb, Ridomil, Metalaxyl Zineb hoặc Viroxyl 58 WP để tiêu diệt nấm bệnh.
Xem thêm: Bệnh lùn sọc đen nguy hiểm như thế nào trên cây lúa, ngô?
Bệnh thối gốc rễ ở dưa leo
Nhận biết bệnh
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là ở phần gốc thân sát mặt đất xuất hiện chấm nhỏ màu đen. Sau đó lan rộng ra rất nhanh bao bọc quanh cổ rễ khiến thân lá cây bị héo rũ. Sau khoảng 1 tuần thì rễ và gốc cây bị thối nhũng, cây đổ gục chết lụi.
Bệnh thối gốc rễ do nhiều loại nấm hại gây ra như nấm Fusarium solani f.s. phasceli, Rhizoctonia solani Kuhn và Thielaviopsis,… Bệnh này phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, độ ẩm cao, mưa nhiều. Nhiệt độ thấp, hoặc thời tiết nóng lạnh bất thường. Đất bị trũng ứ đọng nước.
Phòng & Trị bệnh
Chú ý kỹ trong khâu làm đất, nên xử lý đất bằng cách bón vôi, phân lân và kali 10 ngày trước khi trồng, lên luống cao cho đất, mật độ trồng cây dày vừa phải.
Nếu gặp thời tiết mưa nhiều thì phải vun gốc cao để tránh đất bị đọng nước, ngập úng.
Khi xuất hiện bệnh có thể dùng một trong những loại thuốc như Ridomil MZ72 WP, Rovral 50% hoặc Topsin M (50-70 WP) để phun cho cây.
Bệnh thối trái non trên dưa leo
Triệu chứng & Nguyên nhân:
Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân, vùng bị bệnh có dấu hiệu bị úng nước chuyển sang màu đen và thối nhũn. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cây cho ra hoa và thụ phấn, bệnh tấn công ở lá, hoa và trái non, trong thời điểm 5 – 7 ngày hoa cho ra trái, bệnh gây hại khiến trái bị thối đen, trái non bị rụng hoặc bị teo lại. Bệnh nặng có thể gây thối cả rễ, làm cây chết.
Bệnh thối trái non do nấm Choanephora cucurbitarum hay nấm Phytophthora sp gây ra. Bệnh gây thiệt hại nặng trong mùa mưa.
Bí quyết phòng và trị bệnh
Do bệnh gây hại chủ yếu vào mùa mưa khi nhiệt độ và độ ẩm thấp nên cần phải chú ý đến lượng nước tưới cho cây, không nên tưới nước quá nhiều khiến đất bị ngập úng. Làm đất khô thoáng, thoát nước tốt.
Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh thì nên hạn chế tưới nước vào buổi chiều. Phun một trong số các loại thuốc như Aliette, Curzate, Manzate hoặc Ridomil lên cây 7 – 10 ngày một lần.
Nguồn: Vuonxinh.com.vn